Gỗ luôn là sự lựa chọn số 1 bởi sự thân thiện, đẹp và sang trọng của nó…Nói đến nhà, người ta hay nói “nhà cửa”; nói đến làm nhà cũng dùng chữ “làm nhà làm cửa”. Cửa là phần quan trọng của ngôi nhà. Chuẩn bị làm nhà, chọn cửa gì cũng là câu hỏi nhức đầu cho chủ nhà. Vật liệu làm cửa có thể là sắt, nhôm, nhựa… cho đến gỗ. Dù có nhiều vật liệu thì giới xây dựng cũng như nhiều gia chủ vẫn thích chọn gỗ bởi chỉ có chất liệu gỗ là thân thiện, đẹp và sang trọng hơn cả. Ngày nay, cửa gỗ nói chung đã được chế tác bằng nhiều phương cách, chủng loại đa dạng – làm phong phú thêm sắc thái và tính ứng dụng của nó.
Sản phẩm bằng đồ gỗ tự nhiên là đẹp… tự nhiên, có kết cấu đồng chất, cứng cáp và chế tác được nhiều kiểu dáng. Ngoài ra, chất liệu gỗ thích hợp cho những vùng gần biển, vùng sông nước – hạn chế được sự ăn mòn, không bị ôxyt hoá.
Nguyên liệu gỗ tự nhiên có nhiều chủng loại và hầu hết được nhập từ các nước châu Á, Bắc Mỹ… Gỗ thường dùng làm cửa là căm xe, giáng hương, cẩm lai, gõ đỏ, oak, alder, cherry, mahogany, pine.
Tuy nhiên, cửa gỗ cũng có những hạn chế nhất định như: nặng, làm tăng tải trọng cho nền móng công trình và giá thành rất cao. Gỗ sẽ không bền lâu trong môi trường nước, ẩm ướt – gây hư mục và bị biến dạng, cong vênh hay co nhót dưới tác động của nắng trời, nhất là đặt cửa ở những hướng có ánh nắng chiếu trực tiếp.
Do đó, ứng dụng những loại cửa này trong công trình thường làm cửa phòng hoặc đặt ở những nơi không bị mưa nắng hắt, tạt trực tiếp. Nhưng, vẫn có thể sử dụng làm cửa đi chính hay cửa sổ nhưng mặt cửa phải nằm lùi vào trong ban công có mái đón, nằm trong khoảng sân đệm của không gian nhà. Phải tính và xem xét đến bản vẽ thiết kế để có thể chọn lựa cửa gỗ ứng dụng tương thích và phù hợp theo những tiêu chí nêu trên. Các bạn nên tham khảo ý kiến của các công ty hoặc đơn vị tư vấn thiết kế nội thất chuyên nghiệp để có được sản phẩm ưng ý nhất. Mặc dù hiện nay trong sản xuất đồ gỗ đều được tẩm hoá chất chống mối mọt và sấy khô để hạn chế co nhót, cong vênh. Nhưng vẫn phải tính đến độ bền vững của vật liệu theo thời gian trước tác động của khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt như ở Việt Nam.
Độ dày – mỏng của gỗ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu bền vững của cửa. Gỗ càng dày cửa càng tốt, giảm thiểu bị cong vênh, giãn nở – đóng không sít… và hẳn nhiên giá cao hơn. Để nhận diện được việc này, có thể xem bề dày gáy cánh cửa; hoặc gõ trên mặt ván để “nghe” độ dày – mỏng của vật liệu. Bởi hàng… chợ (hàng không cao cấp) có những loại tấm gỗ panô cửa dày chỉ 7 – 8 li – rất dễ bị xé. Thậm chí, chỉ mỏng 3 – 5 li và được “dán” lên tấm ván ép hay ván gỗ tạp cho “có vẻ” dày dạn nhưng dạng này mau hỏng.
Một yếu tố nữa cũng thường gặp là nguyên liệu gỗ làm cửa còn dính giác (phần gỗ màu trắng sát vỏ cây – khác với phần lõi của cây gỗ). Giác gỗ là phần mau bị mục rã nhất. Nhưng khi đóng xong cửa, phần giác này được “mông má” lại bằng bả màu và vẹc-ni vẽ, đánh lên cho tiệp với vân và màu của gỗ phần lõi. Thoáng nhìn, khó nhận ra; nhưng quan sát kỹ có thể phát hiện vì sẽ lộ cái nét thiếu tự nhiên của sắc diện gỗ. Việc này có thể buộc trong cam kết, bảo hành với người bán, nhà sản xuất.