Tham khảo mẫu Phật bà nghìn tay nghìn mắt toạ đài sen.
Tượng phật Thiên Thủ Thiên Nhãn hay còn gọi là tượng Phật bà Nghìn Tay Nghìn Mắt, là một hiện thân khác của Bồ tát Quán thế âm.
Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang... cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.
Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có danh hiệu Bồ tát Chuẩn Đề. Qua hình tượng Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa Công Đức và Phước Đức của Bồ tát Hạnh. Với tư tưởng giải thoát rốt ráo tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả.
Cho nên những tôn tượng bồ tát vẫn luôn luôn là đề tài thu hút một cách mãnh liệt các tín đồ Phật giáo. Hiểu theo chánh kiến một cách sáng suốt, thì tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm mục đích giác ngộ thật tánh chân như bình dị tự nhiên và cốt tủy đạo Phật dạy: “Tu tâm chuyển ý hành bồ tát đạo”.
Khi sống trên đời, con người tiếp xúc hàng ngày với cảnh trần. Mắt thấy sắc (các vật có hình tướng). Tai nghe tiếng (âm thinh, lời nói). Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần. Kinh sách gọi chung sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp là lục trần.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay phê phán: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), dễ ngửi hay khó ngửi (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Những sự phê phán trong tâm thức như vậy, kinh sách gọi chung là lục thức.
Người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh trí tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.
- Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.
- Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.
- Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.
- Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.
- Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.
- Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.
Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sinh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.
Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong dân gian xả thân cứu độ mọi loài, hành đạo giúp đời có thật không phải là hoang tưởng và Bồ Tát cũng là tâm Phật, là “Thật Tánh” của những con người biết tu tâm dưỡng tánh, rốt ráo đoạn trừ ma chướng tự thân.
Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.
Người có tâm bất thiện nhìn thấy oai lực hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên nhãn cảm giác sợ hãi kinh hoàng, tưởng tượng phép lạ, mơ ước kỳ nhân, chỉ biết cầu khẩn van lạy xin thật nhiều thứ. Một khi con người phước đức thiện tâm có tu, thì có cảm ứng sự dịu mát kính ngưỡng khó nghĩ bàn, tự phát nguyện tu giới hạnh và hành trì theo đức độ Bồ Tát. Tôn tượng các vị Bồ Tát thường được ngầm ý biểu trưng thuộc về tâm thức, muốn tán thán đức hạnh cao thượng của những người tu xuất thế gian có đủ Từ Bi và Trí Tuệ.